Nếu bạn muốn khỏe hơn, ngủ ngon hơn và có mức năng lượng cao hơn thì bạn cần phải vận động, và luyện tập môn bơi là một bộ môn thể thao rất bổ ích. Theo Mindlab International, chỉ sau bốn tuần tập các môn bơi lội đã tăng 15% mức độ thể chất, 40% chất lượng giấc ngủ và 51% mức năng lượng tổng thể. Hơn nữa, những lợi ích không chỉ là về mặt thể chất: những người tham gia báo cáo giảm 33% cảm xúc tiêu cực và tăng 35% cảm giác tích cực, cho thấy rằng bơi lội thường xuyên là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để cải thiện thể chất và tinh thần của mình.
Mục lục
Bơi là một bộ môn rất hữu ích
Bơi là một môn thể thao rất tốt cho sức khỏe, nhưng nếu thiếu hiểu biết về nó, người tập có thể gặp nhiều sự cố nguy hiểm khi xuống nước, chẳng hạn như chuột rút, đuối sức, rét lạnh… Vì vậy, tất cả các giai đoạn của buổi đi bơi (khởi động, xuống nước, lên bờ) đều phải được thực hiện một cách khoa học. Rất nhiều người không học bơi vì họ sợ bị đuối nước. Tuy nhiên, phần lớn những vụ đuối nước đều có thể phòng tránh được nhờ áp dụng những biện pháp an toàn.
Bơi có thể là hoạt động đáng sợ đối với những người chưa từng học bơi, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chế ngự nỗi sợ hãi này bằng cách thử tập bơi theo hướng dẫn dưới đây. Biết bơi và vui đùa cùng làn nước là một hoạt động vô cùng thú vị, ngoài ra, kỹ năng bơi còn giúp bạn thoát khỏi các tình huống nguy hiểm khi chẳng may bị rơi xuống nước. Tất cả những gì bạn cần làm là thoải mái và thả lỏng cơ thể khi ở dưới nước; tập một số kiểu bơi cơ bản và dần nâng cao kỹ năng bơi của mình.
Khởi động cơ thể
Nhất thiết phải dành khoảng 30 phút để khởi động cơ thể:
- Làm các động tác khởi động. Có thể áp dụng các bài thể dục buổi sáng; nên tập hai lần với cường độ khác nhau.
- Chạy cự ly ngắn (100m) chậm – nhanh dần – chậm dần và trở về trạng thái cân bằng.
- Tiếp tục khởi động các khớp theo thứ tự: khớp các đốt sống cổ, thắt lưng, khớp hông (háng), các khớp gối, cổ chân, ngón bàn chân, các khớp vai, khuỷu, cổ tay, các ngón tay. Thực hiện vận động vặn xoay vòng các khớp theo chiều kim đồng hồ và ngược lại.
Quá trình tập luyện
Khi tiếp xúc với nước, trong cơ thể sẽ diễn ra quá trình phản ứng với 3 giai đoạn:
- Ức chế (khoảng 10-15 phút): Mặc dù đã được khởi động để thực hiện hoạt động bơi lội nhưng khi tiếp xúc với nước, cơ thể vẫn có phản xạ co mạch ngoại vi, huyết áp tăng nhẹ, tim đập nhanh, nhịp thở tăng và mạch cũng nhanh hơn.
- Thích nghi: Đây là giai đoạn tiêu hao năng lượng, kéo dài khoảng 1-3 giờ; tùy theo sức khỏe và sự rèn luyện của mỗi người. Lúc này, cơ thể đã bắt đầu thích nghi với môi trường nước; các biểu hiện ức chế dần dần hết. Nhịp tim, mạch, nhịp thở và huyết áp ổn định, trở về trạng thái ban đầu.
- Hồi phục (bù đắp): Lúc này, cơ thể đã tiêu hao nhiều năng lượng; cần được bù đắp phần năng lượng đã mất đi. Trên thực tế, người bơi sẽ thấy mỏi cơ; các động tác phối hợp rời rạc, không còn nhịp nhàng, báo hiệu cơ thể cần được nghỉ ngơi. Chú ý: Khi cảm thấy mỏi cơ, người bơi cần giảm dần tốc độ, bơi vào gần bờ; hoặc gần phương tiện cứu hộ, sau đó thả lỏng toàn thân trong tư thế nổi 3-5 phút rồi lên bờ. Trường hợp cảm thấy rét lạnh thì phải lên bờ ngay, tìm nơi kín gió hoặc có lửa để sưởi ấm; có thể uống một ít nước trà đường nóng.
Sau khi tập luyện
Cần nằm nghỉ ngơi, thư giãn cơ 10-15 phút ở nơi kín gió; sau đó tắm rửa lại bằng nước ấm trong phòng kín gió 5-10 phút. Lau khô người và mặc quần áo ấm ngay trong phòng. Chú ý lau khô tai, mũi, mắt; khi cần thiết có thể nhỏ thuốc. Nếu mệt, nên uống một cốc trà đường nóng.
Nếu bị chuột rút khi bơi
Nếu đang bơi bị chuột rút (nguy hiểm nhất là rút cơ bụng); cần bình tĩnh thả lỏng toàn thân trong tư thế dang rộng tay chân, từ từ hít sâu; và dùng tay bấm các huyệt xung quanh (có thể bấm cả các huyệt bên chi đối xứng) và xoa nhẹ nhàng lên vùng chuột rút. Khi thấy đỡ thì báo cho người xung quanh hoặc bộ phận cứu hộ đến giúp đỡ đưa lên bờ. Trường hợp quá xa nơi cứu hộ hoặc có một mình; thì khi thấy đỡ nhờ tự xử trí như trên, phải nhẹ nhàng bơi vào bờ.